OnePlus, hành trình từ "flagship killer" sang flagship thông thường

OnePlus, hành trình từ "flagship killer" sang flagship thông thường

RẤT HAY VÀ HỮU ÍCH!/23 người
vn_ninja










OnePlus chính thức debut vào tháng 4 năm 2014 và những chiếc smartphone của hãng này thường được người dùng gọi với danh xưng mỹ miều là “flagship killer”, ám chỉ việc mang cấu hình và trải nghiệm ở đẳng cấp flagship nhưng lại có mức giá rất phải chăng.

OnePlus có thể nói là nhà sản xuất hiếm hoi đã chọn con đường đi khác biệt ngay từ đầu bằng việc chỉ tập trung vào cộng đồng người dùng riêng của mình. Mặc cho các nhà sản xuất khác lấp đầy thị trường bằng hàng tá chiếc điện thoại với các phân khúc giá khác nhau, OnePlus cũng chỉ đều đặn ra mắt 2 chiếc flagship mỗi năm. Những chiếc điện thoại OnePlus luôn có hiệu năng tốt nhất so với các flagship khác cùng cấu hình và giao diện thửa riêng OxyGenOS đã trở thành một trong những bản Android tuỳ biến tốt nhất.

6 năm và 18 chiếc smartphone đã lần lượt được ra mắt, OnePlus giờ đã là một tay chơi có hạng ở phân khúc tầm trung cận cao cấp. Với chiếc flagship mới nhất ra mắt là OnePlus 8, chúng ta hãy cùng điểm lại những chiếc smartphone OnePlus đã xuất hiện từ trước đến nay nhé.

OnePlus One: khởi đầu của khái niệm flagship killer

Chiếc OnePlus One ra mắt vào tháng 4 năm 2014, nhưng chưa chạy OxygenOS như hiện tại mà hợp tác với Cyanogen để ra mắt một bản Android khá clean, không lộn xộn với rất nhiều tuỳ chọn tuỳ biến mạnh mẽ. Giá bán 299 USD ngay lập tức gây ấn tượng với cộng đồng người dùng.


Tuy giá bán như vậy nhưng cấu hình thì không phải dạng vừa, màn hình 5,5 inch 1080p, chip Snapdragon 801 2,5GHz, 3GB RAM, 16/64GB bộ nhớ trong, camera trước 5MP, sau 13MP, cổng Micro USB và viên pin 3100mAh. Những thông số này vẫn có thể hoạt động ổn trong năm 2020 này, vì vậy chúng ta có thể tưởng tượng phản ứng của thị trường dành cho thiết bị này vào năm 2014 là khủng khiếp như thế nào.

OnePlus One ra mắt với bản Cyanogen OS dựa trên Android 4.4.2 KitKat và nhận được bản cập nhật cuối cùng là Cyanogen OS 13 dựa trên Android 6.0.1 Marshmallow.

OnePlus One được thiết kế để làm xuất sắc những thứ cơ bản và nó đã làm điều đó rất tốt. Do giá bán phải chăng nên nó thiếu đi cảm biến vân tay, tuy vậy thiết kế từ chiếc OnePlus đầu tiên này vẫn hiện hữu đến các thế hệ hiện tại với các cạnh vát và các đường cong tinh tế nơi mặt sau tiếp giáp với khung máy.

OnePlus 2: Xin chào nút trượt Alert Slider

OnePlus 2 ra mắt vào tháng 7 năm 2015 với rất nhiều cải tiến và mức giá 334 USD. Đây là chiếc OnePlus khá độc đáo về ngoại hình vì nó cho phép người dùng thay đổi nắp lưng theo sở thích, với 5 loại nắp lưng là Tre, Đen Apricot, Kevlar, Gỗ hồng và Đen đá.

Điện thoại nổi bật với khung viền bằng kim loại và có build quality tốt hơn rõ rệt so với thế hệ đầu, và nó đi kèm với cảm biến vân tay ở viền dưới màn hình. Đây cũng là smartphone OnePlus đầu tiên có cổng USB C, vâng USB C ở năm 2015 trong khi đó Galaxy S6 vẫn đang dùng Micro USB. Dù OnePlus 2 không phải là smartphone đầu tiên có cổng USB C (LeTV Le 1), nhưng đây là thiết bị đầu tiên đưa chuẩn kết nối này đến với số đông người dùng.



OnePlus 2 cũng giới thiệu Alert Slider, một phím cứng chuyên dụng để nhanh chóng chuyển đổi giữa các profile thông báo khác nhau, tương tự như iPhone. Tính năng này được đông đảo người dùng ưa thích và vẫn hiện hữu trên các smartphone OnePlus đến hiện tại.



Về phần cứng, OnePlus 2 có màn hình IPS LCD 5,5 inch 1080p, chip Snapdragon 810 (phiên bản 2,1 fix lỗi quá nhiệt), 2 tuỳ chọn RAM/ROM là 3GB/16GB và 4GB/64GB, camera trước 5MP, sau 13MP và viên pin 3300mAh. Tuy nhiên nó không có NFC.

OnePlus 2 có chất lượng hoàn thiện tốt hơn thế hệ trước và có sự hoàn thiện tổng thể tốt hơn.

OnePlus X: đi trước thời đại

OnePlus X là một canh bạc đầy tham vọng của nhà sản xuất Trung Quốc trong việc tiếp cận đến thị trường người dùng rộng hơn. Debut vào tháng 10 năm 2015 với mức giá chỉ 249 USD, nó tiếp tục là chiếc điện thoại có mức giá phải chăng nhất mà công ty này ra mắt.



Giá thấp đánh đổi lại sự thiếu vắng của cảm biến vân tay, bộ nhớ trong chỉ 16GB, không có NFC, chipset cũ hơn là Snapdragon 801 và cổng kết nối chỉ là Micro USB. Tuy không thành công lắm nhưng OnePlus X vẫn thu hút sự quan tâm rất lớn vì hình thái của nó: kích thước nhỏ gọn hoàn hảo khi dùng một tay. OnePlus X cũng là chiếc điện thoại duy nhất mà nhà sản xuất này cung cấp khe cắm thẻ SD.

Mặt lưng kính và hình thái nhỏ gọn lập tức biến OnePlus X trở nên khác biệt giữa đám đông. Điện thoại ở năm 2015 không to như ngày nay nhưng đó là lúc trào lưu màn hình lớn đang là trend và điện thoại trở nên khó sử dụng hơn. OnePlus X, thiết bị mang cấu hình "to" trong một thân hình "nhỏ" gọn.

Khá đáng tiếc là OnePlus không phát triển thế hệ sau của thiết bị này với cấu hình mạnh hơn, nhưng trong năm 2020 năm nay, vẫn sẽ có chỗ cho những thiết bị nhỏ gọn mạnh mẽ như vậy, cái nào ư? iPhone SE 2020 nhé 😁

OnePlus 3: Bình minh của một kỷ nguyên mới

OnePlus 2 và X không xếp vào dạng bestseller, vì vậy OnePlus đã tái định hình lại bản thân trong năm 2016 để phù hợp với số đông hơn, kết quả là chiếc OnePlus 3 ra đời. Với một thiết kế táo bạo hơn, nâng cấp phần cứng mạnh mẽ, sạc nhanh Dash Charge và camera tốt hơn nhiều. Một thay đổi nữa là người dùng có thể mua mà không cần thư mời, mua trực tiếp với giá 389 USD. OnePlus cuối cùng đã sẵn sàng để đấu tay đôi với các ông lớn khác.


OnePlus 3 cho thấy OnePlus có thể cung cấp những thứ tốt nhất tương tự như các ông lớn Samsung, LG và HTC lúc đó. Khung máy hoàn toàn bằng nhôm, vẫn giữ các cạnh vát và đường cong tinh tế ở mặt sau, chất lượng hoàn thiện không có gì để nói.

Phần cứng nâng cấp mạnh mẽ với màn hình chuyển sang AMOLED FULL HD 5,5 inch, chip Snapdragon 820 14nm tuyệt vời, với biến thể duy nhất có 6GB RAM và 64GB bộ nhớ trong, camera trước 8MP, sau 16MP với OIS và viên pin 3000mAh với công nghệ sạc nhanh Dash Charge 20W.

Cùng với OnePlus 3, OxygenOS ra đời. OnePlus cuối cùng đã khắc phục tất cả các vấn đề gây khó chịu của giao diện người dùng trong các phiên bản trước đó và đã cung cấp một giao diện clean với một loạt các tùy chọn tùy chỉnh thú vị. Chiếc điện thoại này cũng nhận được 3 bản cập nhật OS, điều khó tin ở thời điểm hiện tại. Khởi đầu với Android 6.0.1 Marshmallow và kết thúc với Android 9.0 Pie vào năm 2019.

OnePlus 3T: bắt đầu chu kỳ 2 đầu bảng một năm

Chỉ 6 tháng sau OnePlus 3, phiên bản nâng cấp được ra mắt là OnePlus 3T với chip mạnh hơn (Snapdragon 821), camera độ phân giải cao hơn (trước 16MP), viên pin lớn hơn (3400mAh) và mức giá cao hơn 40USD so với OnePlus 3, 429 USD.



Khác biệt lớn nhất là 3T có tuỳ chọn màu Gunmetal và cũng là chiếc OnePlus đầu tiên có tuỳ chọn 128GB lưu trữ. OnePlus 3T đánh dấu chiến lược 2 flagship một năm của OnePlus, và chiến lược đó vẫn kéo dài đến ngày nay.

OnePlus 5: tất cả là sự tinh tế

Bỏ qua con số 4, nếu OnePlus 3 là về sự tái định hình thì OnePlus 5 lại thiên về sự tinh chỉnh nhiều hơn. Thiết kế với khung nhôm được anodized hoá, và vị trí của các đường ăng ten giống với iPhone 7. OnePlus 5 mỏng và nhẹ hơn 3T nhưng nhìn từ mặt trước thì khó có thể phân biệt được 2 máy.



Sự thay đổi lớn nhất là sự xuất hiện của cụm camera kép, với ống kính chính 16MP kết hợp với module tele 20MP zoom quang 1.6x. Ra mắt vào tháng 6 năm 2017 với giá 479 USD cho biến thể 6/64GB và đây cũng là smartphone OnePlus đầu tiên có tuỳ chọn 8GB RAM, bộ nhớ trong 128GB với giá 539 USD.

OnePlus 5 mang chipset Snapdragon 835 10nm, mạnh mẽ hơn rất nhiều so với 821. Chipset mới + cụm camera kép là những thay đổi lớn nhất, còn lại cơ bản vẫn không thay đổi so với năm trước: màn hình Amoled 5,5 inch FHD, cảm biến vân tay ở cạnh dưới, camera trước 16MP và sạc nhanh Dash Charge 20W.

Về phần mềm, xuất phát với OxygenOS 4.5 dựa trên Android 7.1.1 Nougat với một loạt các tính năng mới như Reading mode, font chữ hệ thống mới, giao diện người dùng được thiết kế lại, chế độ DND khi chơi game… OnePlus 5 đã nhận được 2 bản cập nhật OS và hiện đang chạy Android 9.0 Pie.

Dù tốt hay xấu, thì rất nhiều các điện thoại Android trong năm 2017 đều có thiết kế tương đồng với iPhone 7, tuy vậy OnePlus 5 đã có thêm cụm camera kép và OxygenOS ít tuỳ biến biến nó trở thành một trong những chiếc smartphone nhanh nhất vào thời điểm đó.

OnePlus 5T: tạm biệt viền màn hình

OnePlus 5T chỉ có một điểm khác biệt so với OnePlus 5, nhưng đó là một sự khác biệt rất lớn, đó là 5T đã chuyển sang màn hình dài 18:9 thay vì 16:9 như 5. OnePlus đã di chuyển cảm biến vân tay ra sau, để lại không gian phía trước cho màn hình, vì vậy màn hình đã tăng 0,5 inch lên thành 6 inch, trong khi chiều cao chỉ tăng 2mm. 5T cũng loại bỏ ống kính tele và thay bằng module low-light chuyên dụng làm ống kính thứ 2. Mức giá là 499 USD, chỉ hơn 20 USD so với OnePlus 5.



5T cũng là chiếc smartphone OnePlus đầu tiên cung cấp tính năng mở khoá khuôn mặt. Ra mắt vào tháng 11 năm 2017 với Android 7.1.2 Nougat, không phải là Oreo nhưng qua năm 2018 đã được cập nhật và đã được lên Android 9.0 Pie vào năm 2019.

OnePlus 5T Star Wars Edition: ra ngoài ngân hà luôn nhé

Hợp tác với Disney trước khi ra mắt Star Wars: The Last Jedi, phiên bản đặc biệt của OnePlus 5T ra đời. Tổng thể màu trắng với các điểm nhấn màu đỏ và thương hiệu Star Wars ở mặt lưng, cùng với các theme và hình nền độc quyền làm cho thiết bị này nhìn chất hơn rất nhiều.



OnePlus 5T Star Wars Edition chỉ bán giới hạn ở Ấn Độ với mức giá 600 USD, chỉ hơn 20 USD so với phiên bản 8G RAM của OnePlus 5T. Vì bán giới hạn, nên hết rất nhanh :D

OnePlus 6: bước vào thời đại tai thỏ

Với OnePlus 6, công ty đã chuyển sang thiết kế kim loại và kính, và thiết kế này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.



Vào thời điểm OnePlus 6 ra mắt vào tháng 5 năm 2018, OnePlus đã được định hình vững chắc như là người đứng đầu trong phân khúc "flagship giá rẻ", hay "flagship killer". Ra mắt với mức giá 529 USD, nhiều hơn 30 USD so với 5T và 50 USD so với OnePlus 5, không hề tệ nếu xét tới những nâng cấp nó mang lại.

Với tai thỏ là điểm nhấn cũng như nhìn khá vô duyên, nhưng với nó OnePlus có thể mang màn hình 19:9 6,28 inch trong khung máy ngắn hơn 0,4mm so với 5T. Dãy camera sau chuyển sang dạng xếp dọc, khung máy dày hơn giúp cầm điện thoại dễ sàng hơn. OnePlus cũng tung ra chiếc tai nghe không dây đầu tiên là Bullets Wireless như một điềm báo cho sự khai tử jack 3,5mm.

Về phần cứng, chipset được nâng lên Snapdragon 845 và camera 16MP đã có OIS. OnePlus cũng giới thiệu khả năng chống nước với OnePlus 6 nhưng không cam kết bảo hành. Về phần mềm, OnePlus 6 khởi đầu với OxygenOS 5.1.2 dựa trên Android 8.1 Oreo và đã được lên Android 10 vào đầu năm nay. OnePlus 6 cũng có các tuỳ chọn màu sắc rực rỡ hơn, nhìn ngầu nhất là bản Silk White.

Series OnePlus 6 đã cũng cố vị trí của OnePlus trong thế giới Android, bán tốt đến nỗi OnePlus đã vượt qua cả Samsung tại Ấn Độ, xét trên thị phần máy cao cấp, một kỳ tích không thể xem thường.

OnePlus 6 Avengers Edition: món quà cho người hâm mộ vũ trụ điện ảnh Marvel

Tiếp tục hợp tác với Disney trong năm 2018 để ra đời chiếc OnePlus 6 Avengers Edition, nhằm đón đầu bom tấn Avengers: Infinity War. Phiên bản đặc biệt này chỉ bán giới hạn tại Ấn Độ và Trung Quốc với mức giá 690 USD.



Vỏ hộp có logo Avenger rất to ở mặt trước và đi kèm một case cách điệu hình mũ giáp của Iron Man. Mỗi chiếc điện thoại có một tấm huy chương, với tổng cộng 6 tấm tượng trưng cho 6 Avenger đầu tiên. Bằng việc kết hợp tất cả huy chương sẽ tạo thành logo Avengers, một ý tưởng khá độc đáo.

Phiên bản Avenger có mặt lưng kính bóng tương tự như OnePlus 6 thông thường, nhưng có một lớp hoạ tiết Kevlar ở dưới lớp kính. Nút trượt Alert Slider màu vàng cùng rất nhiều theme và hình nền độc quyền trong máy biến nó trở thành món quà không thể hấp dẫn hơn cho người hâm mộ vũ trụ điện ảnh Marvel.

Cấu hình phần cứng hoàn toàn tương đồng với OnePlus 6, ngoại trừ bản Avengers này có sẵn bộ nhớ 256GB. Tất nhiên vì bán limited, nên cũng rất khó có hàng để mua.

OnePlus 6T: tạm biệt jack 3,5mm

Đến thời điểm này, chu kỳ phát hành sản phẩm theo kiểu 2 flagship một năm của OnePlus đã đi theo một chu kỳ tương tự như Intel, đó là chu kỳ Tick Tock. Với một bản cập nhật lớn vào tháng 5 hoặc tháng 6 hàng năm (tick), tiếp theo là một bản cập nhật nhỏ vào sáu tháng sau với nhiều sự tối ưu hóa (tock).


6T chính xác đi theo chu kỳ này, với phần cứng tương tự phiên bản trước nhưng có tai thỏ mỏng hơn, pin lớn hơn và lần đầu tiên mang cảm biến vân tay trong màn hình lên điện thoại OnePlus. Tai thỏ nhỏ hơn giúp cho OnePlus trang bị được màn hình lớn hơn là 6,41 inch FHD+ với tỉ lệ 19,5:9. Bề ngang giảm 0,6mm so với 6, 6T lúc này cao hơn và hẹp hơn.

Cảm biến vân tay được chuyển sang loại nằm trong màn hình, tuy nhiên gặp vấn đề về tốc độ và bảo mật. Giắc cắm tai nghe cũng bị loại bỏ với lý do lấy chỗ cho viên pin lớn hơn là 3700mAh. Ra mắt với mức giá 549 USD, chỉ hơn 20 USD so với OnePlus 6, người dùng không chỉ có một thiết kế đẹp hơn với màn hình kiểu giọt nước, mà còn tăng dung lượng lưu trữ lên với bộ nhớ trong bắt đầu từ 128GB, gấp đôi so với OnePlus 6.

Ngoài bộ nhớ trong cơ bản thì phần cứng bên trong không thay đổi so với OnePlus 6, tuy vậy 6T có các tuỳ chọn màu sắc khá thú vị để phân biệt, và màu Thunder Purple là một trong những màu khá đặc biệt.

Chiếc 6T này đã mang OnePlus đến với thị trường Mỹ, bán chính thức từ nhà mạng T-Mobile với giá 579 USD.

OnePlus 6T McLaren Edition: tái định nghĩa lại tốc độ

Phiên bản đặc biệt lần này là sự hợp tác với đội đua McLaren nổi tiếng của nước Anh. OnePlus 6T McLaren Edition ra mắt vào tháng 12 năm 2018 với mức giá 600 USD, không giống như với Disney, phiên bản đặc biệt này được bán ở Bắc Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.



Bởi vì đắt hơn bản 6T thường những 150 USD nên OnePlus cũng phải thêm thắt một vài thứ để xứng đáng với mức giá này. Ngoài vỏ hộp cách điệu, lần này còn có một cuốn booklet mô tả chi tiết những di sản của McLaren. Chưa dừng lại ở đó, OnePlus đã thêm các hiệu ứng AR thú vị cho phép người dùng hướng camera vào cuốn sách để mở ra các hình ảnh và video khác nhau.

Phiên bản đặc biệt này cũng có rất nhiều tính năng độc đáo, với mặt sau bằng kính với các hoa văn sợi carbon bên dưới và một đường nhấn màu cam xung quanh 2/3 không gian viền dưới. Phần mềm cũng có rất nhiều theme và hình động tuỳ chỉnh. Phần cứng có sự khác biệt với 10GB RAM và 256 bộ nhớ trong, là chiếc OnePlus đầu tiên có sạc nhanh 30W Warp Charge với sợi cáp màu cam rất nổi bật theo máy.

Hộp máy còn có một chiếc case Kevlar với logo của McLaren. Nhìn chung, chiếc 6T McLaren là một trong những sự hợp tác tốt nhất của OnePlus cho đến ngày nay.

OnePlus 7 Pro: màn hình 90Hz đến đây

Năm 2019 là một năm nổi bật đối với OnePlus. Công ty lần đầu tiên nhắm vào phân khúc “cao cấp giá không rẻ”. Kết quả là OnePlus 7 Pro, một chiếc flagship đẹp mắt được thiết kế để đối đầu trực tiếp với Samsung, Huawei và Google. Ra mắt vào tháng 5 năm 2019 với giá 669 USD, cao hơn những 120 USD so với 6T.



Tất nhiên, tăng giá mạnh thì các tính năng cũng phải nâng cấp mạnh. Đầu tiên là màn hình Fluid AMOLED 6,67 inch với độ phân giải QHD+, màn hình tốt nhất mà OnePlus đưa lên điện thoại cho đến nay. Tốc độ làm mới 90Hz khiến các thao tác trở nên mượt mà hơn rất nhiều so màn hình 60Hz.

Một tính năng nổi bật khác là module camera thò thụt phía trước, cho phép OnePlus 7 Pro có màn hình trân viền hoàn toàn liền mạch mà không có bất kỳ sự khiếm khuyết nào. 7 Pro cũng có hai cạnh bên cong tràn và loa stereo. Phần cứng mạnh mẽ kết hợp với màn hình 90Hz đã khiến OnePlus 7 Pro trở thành một thiết bị tuyệt vời để chơi game và stream nội dung.

Phần cứng vẫn thuộc top đầu với chip Snapdragon 855, RAM 6GB và bộ nhớ cơ bản 128GB. Camera chính 48MP kết hợp với một camera zoom 8MP và một camera góc rộng 16MP, viên pin 4000mAh kết hợp sạc nhanh 30W. Mặt sau bằng kính có lớp phủ mờ nhìn đặc biệt tuyệt vời.

OnePlus 7 Pro rõ ràng là một sự đánh cược đầy tham vọng của OnePlus khi tiến đánh vào phân khúc cao cấp. Sự kết hợp của màn hình 90Hz, phần cứng mạnh mẽ và phần mềm clean khiến nó trở nên nổi bật trong danh mục flagship. OxygenOS 9.5 giới thiệu nhiều các tính năng mới, bao gồm Zen Mode, chế độ gaming mới, trình ghi màn hình tích hợp và nhiều tính năng khác.

Chắc chắn, OnePlus 7 Pro đã tăng giá nhiều hơn gần 200 đô la so với OnePlus 5, nhưng nó cũng mang những nâng cấp lớn xứng đáng với mức tăng giá đó. Nó có thể không phải là một chiếc điện thoại tập trung nhiều vào giá trị, nhưng nó vẫn có thể hạ gục những người thích Galaxy S10+ nhưng không muốn bỏ ra thêm 330 USD. OnePlus cũng ra mắt biến thể 5G của thiết bị ở Anh và ngoài modem 5G chuyên dụng, biến thể 5G có phần cứng bên trong hoàn toàn giống như phiên bản thông thường.

OnePlus 7: duy trì bản sắc

OnePlus 7 nói chung có thể gọi là một biến thể cập nhật thêm chút ít của OnePlus 6T. Nó được bán giới hạn ở một vài thị trường như Ấn Độ và Vương quốc Anh và không bao giờ đặt chân tới Mỹ.


OnePlus 7 có một vài nâng cấp phần cứng, chipset Snapdragon 855, camera chính 48MP giống như 7T Pro, bộ nhớ trong UFS 3.0 và loa stereo. Còn lại, kể cả thiết kế, giống y như OnePlus 6T.

Với chiếc 7 Pro tập trung vào phân khúc cao cấp, OnePlus 7 như là một chiếc OnePlus để lấp đầy khoảng trống của chiếc 6T tại các thị trường như Ấn Độ và Vương quốc Anh. Chiếc điện thoại này có thể không thú vị lắm, nhưng với mức giá dưới 500 USD thì nó vẫn là chiếc điện thoại khá chất lượng.

OnePlus 7T: chiếc smartphone Android tốt nhất dưới 600 USD

Với OnePlus 7 chỉ được bán ở một vài thị trường nhất định trong khi 7 Pro thì mức giá đã 700 USD nên OnePlus cần một chiếc flagship khoảng 600 USD để phủ đầy phân khúc. OnePlus 7T ra đời vào tháng 9 năm 2019 với mức giá 599 USD, cao hơn 50 USD so với 6T.



OnePlus 7T cũng có màn hình 90Hz như 7 Pro, nhưng màn hình AMOLED 6,55 inch phẳng không cong và độ phân giải chỉ FHD+ để tiết kiệm pin. Phần mềm vẫn mượt mà như mọi khi, đặc biệt hình dạng cụm camera sau nhìn như máy ảnh DSLR đã khiến cho 7T trở nên khá nổi bật.

Phần cứng với chip Snapdragon 855+, 8GB RAM và 128GB bộ nhớ trong tiêu chuẩn và loa stereo. Có cùng camera 48MP và 16MP từ 7 Pro, nhưng có thêm cụm camera zoom 12MP mới, chuẩn sạc nhanh 30W Warp Charge cũng được tích hợp. OnePlus 7T cũng là chiếc smartphone đầu tiên chạy sẵn Android 10, trước cả Google Pixel 4. OxygenOS 10 cũng có các tính năng mới như điều hướng cử chỉ và Dark mode.

OnePlus 7T, có các tính năng tốt nhất từ 7 Pro, nhưng mức giá phải chăng hơn.

OnePlus 7T Pro: giống tất cả nhưng khác tên


Thường có chữ T là bản refresh, nhưng lần này lại là T với cả Pro nữa. Kích thước tương tự như 7 Pro, phần cứng nâng cấp chút ít với Snapdragon 855+, 8GB RAM và 256GB bộ nhớ trong tiêu chuẩn, pin tăng lên chút xíu với 4085mAh, còn lại y hệt như 7 Pro.


Mặt lưng bằng kính mờ, nhưng phiên bản Haze Blue thì sáng hơn một chút so với Nebula Blue trên 7 Pro. Điểm tích cực của phiên bản này là nó chạy sẵn Android 10, giúp nó chắc chắn lên được Android 12. OnePlus có lẽ không cần chiếc 7T Pro này, nhưng họ phải ra để giữ đúng nhịp 2 flagship một năm, nên vì thế nó cũng không có gì nổi bật.

OnePlus không bán nó ở Mỹ mà chỉ bán ở một vài thị trường như Vương quốc Anh với mức giá 699 Bảng tương ứng với 860 USD.

OnePlus 7T Pro McLaren Edition: tăng áp

Được giới thiệu vào tháng 11 năm 2019 với mức giá 799 Bảng (980 USD) và bán giới hạn tại một vài thị trường như Anh và Ấn Độ.


Giống như 6T McLaren, OnePlus đã bày tỏ sự mến mộ với đội đua McLaren bằng cách thêm một đường nhấn màu cam ở 2/3 không gian bên dưới của điện thoại và nút trượt Alert Slider cũng có màu cam. Mặt lưng có hoa văn sợi carbon hỗn hợp thường thấy trong những chiếc xe đua của McLaren nằm dưới lớp kính. Tất nhiên là có hình nền và theme độc quyền.

Vỏ hộp có vải Alcantara và hoa văn sợi carbon xung quanh. Phần cứng bên trong không thay đổi nhiều với 7T Pro nhưng cung cấp 12GB RAM và 256GB bộ nhớ trong tiêu chuẩn.

Phiên bản đặc biệt này không có nhiều quà như bản trước.

OnePlus 8/8 Pro: flagship không còn killer

Flagship mới nhất của OnePlus đã chính thức ra mắt vào ngày 14 tháng 4 năm 2020, với các thông số cấu hình phần cứng khủng như chip Snapdragon 865 5G, RAM tiêu chuẩn từ 8GB, bộ nhớ trong từ 128GB, màn hình QHD+ 120Hz với bản Pro và FHD+ 90Hz với bản thường, bộ 4 camera với nhiều tính năng, sạc nhanh 30W với viên pin 4300mAh với OnePlus 8 và 4510 với 8 Pro.


Mức giá cũng hết sức đẳng cấp khởi đầu với 600 USD với OnePlus 8 và 899 USD với 8 Pro. Hy vọng Tinhte sẽ sớm có máy trên tay và có những đánh giá sâu hơn gửi đến anh em sau.

Trên đây là tổng hợp tất cả những chiếc smartphone OnePlus đã ra mắt từ trước đến giờ. Smartphone OnePlus trước giờ đều được mệnh danh là "flagship killer", nhưng với mức giá hiện tại từ OnePlus 7, khi đã bước chân vào phân khúc "flagship thông thường", OnePlus phải làm gì để tạo sự khác biệt so với các ông lớn khác ngoài cấu hình khủng và phần mềm sạch ít tuỳ biến? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Anh em có xài smartphone OnePlus không? Có ấn tượng hay kỷ niệm nào thú vị thì chia sẻ nhé :D

P/S: bài đã dài, bonus thêm cho anh em bộ hình nền stock của OnePlus 8 nhé. Down trong link đừng tải hình demo 😃


  ​

Tham khảo: Android Central

No comments

Powered by Blogger.